Nền tảng triển khai meme coin trên Solana, Pump.fun, tiếp tục đối mặt với rắc rối pháp lý khi bị cáo buộc cho phép tạo ra các token vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Vào ngày 5/2, Pump.fun đã nhận được lệnh “ngừng và chấm dứt” (cease and desist) từ các công ty luật Mỹ Burwick Law và Wolf Popper LLP. Lệnh này yêu cầu nền tảng phải xóa bỏ một số meme coin bị cáo buộc sử dụng trái phép tên và logo của các công ty luật này.
Lệnh “ngừng và chấm dứt” là một thông báo pháp lý chính thức yêu cầu cá nhân hoặc tổ chức dừng ngay hành vi bị cáo buộc là vi phạm pháp luật để tránh các hành động pháp lý tiếp theo.
Theo nội dung thư, Pump.fun bị yêu cầu xóa ngay token Dogshit2 cùng một số token khác mà các công ty luật cho rằng được tạo ra nhằm giả mạo họ. Các công ty này cũng cáo buộc Pump.fun đã cho phép các đợt triển khai token trái phép và không có biện pháp xử lý dù có đủ khả năng kỹ thuật để làm vậy.
Theo Burwick Law và Wolf Popper LLP, các hành vi này không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn góp phần vào các hành vi thao túng thị trường, đặt nhà đầu tư vào rủi ro.
Tính đến nay, người dùng Pump.fun đã tạo ra hàng trăm token, trong đó có những token liên quan đến Burwick Law, Wolf Popper LLP và đối tác quản lý Max Burwick.

Các công ty luật này còn tuyên bố Pump.fun có liên quan đến các nỗ lực “đe dọa khách hàng của chúng tôi và cản trở các vụ kiện tụng đang diễn ra.”
Họ chỉ ra rằng các meme coin được tạo ra nhằm giả mạo nguyên đơn trong vụ kiện, và cho rằng đây là hành động “sử dụng công nghệ blockchain để phá hoại công lý và quy trình pháp lý.”
“Mọi hành vi sử dụng trái phép tên của chúng tôi, quyền sở hữu trí tuệ hoặc liên kết với token này có thể dẫn đến hành động pháp lý ngay lập tức,” nội dung lệnh “ngừng và chấm dứt” cảnh báo.
Lệnh này được đưa ra sau hai vụ kiện tập thể chống lại Pump.fun, do Burwick Law và Wolf Popper LLP khởi xướng thay mặt các nhà đầu tư.
Vụ kiện đầu tiên, được đệ trình vào ngày 16/1, nhằm vào việc bán token Peanut the Squirrel, cáo buộc đây là một chứng khoán chưa đăng ký được quảng bá thông qua chiến dịch “thổi phồng” từ các influencer. Vụ kiện thứ hai, được nộp vào ngày 30/1, mở rộng cáo buộc, nhắm đến công ty điều hành Pump.fun là Baton Corporation Ltd cùng các nhân vật chủ chốt của nền tảng.
Theo đơn kiện, Pump.fun bị cáo buộc kiếm lợi nhuận từ mô hình “pump-and-dump”, quảng bá mạnh mẽ các meme token trước khi chúng mất phần lớn giá trị.
Nguyên đơn Diego Aguilar khai rằng anh ta chịu tổn thất sau khi mua các token như Fwog và Griffain, vốn từng được đẩy giá cao trước khi sụt giảm mạnh. Đơn kiện cũng cáo buộc Pump.fun đã thu về gần 500 triệu đô la phí giao dịch trong khi vận hành một mô hình bị cho là có các đặc điểm của mô hình Ponzi.
Tuy nhiên, vụ kiện có bước ngoặt bất ngờ khi cộng đồng phát hiện bằng chứng trong tài liệu Exhibit C của vụ kiện cho thấy mức độ dễ dàng khi tạo token trên Pump.fun.
Token Dog Shit Going NoWhere (DOGSHIT2) trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi một số thành viên cộng đồng phát hiện địa chỉ ví được đề cập trong vụ kiện trùng khớp với ví của DOGSHIT2. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Burwick Law có thể đã triển khai token này để củng cố lập luận của họ trong vụ kiện.
Trong khi đó, những người nắm giữ DOGSHIT2 đã hưởng lợi từ tranh cãi này, khi giá token tăng hơn 170% trong 24 giờ qua, đạt mức cao nhất mọi thời đại 0,01437 đô la vào ngày 6/2 – chỉ vài giờ sau khi lệnh “ngừng và chấm dứt” được đưa ra.
Tại thời điểm viết bài, Pump.fun vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về cáo buộc hoặc phản hồi về lệnh “ngừng và chấm dứt”.
Theo Crypto News